Bệnh tham nhũng, “bòn mót” trong doanh nghiệp và cách xử lý của thế giới di động

Theo giáo sư Phan Văn Trường: Bệnh tham nhũng thường xuất hiện tại các nơi có giao dịch. Bệnh này cũng rất khó triệt để, tuy nhiên trong quản trị hàng ngày doanh nghiệp vẫn có thể bắt nhân viên làm việc theo đúng quy trình để tránh tất cả những sự lạm dụng.

“Trong những đội có tham những và “ăn mót”, bao giờ thành viên cũng đùm bọc nhau sốt sắng hơn bình thường, và khi bạn hỏi nhân viên thấp, sếp trên của họ hay trả lời hộ. Bảo kê và chống lưng cho nhau là triệu chứng của một doanh nghiệp có tham nhũng”

Tuy nhiên với kinh nghiệm quản trị các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới hàng chục năm, ông cho rằng chỉ khi văn hóa doanh nghiệp cùng đồng lương cao mới mong đủ sức xử lý vấn đề tham nhũng, vì nói cho cùng, làm thế nào để có thể kiểm soát sau lưng mỗi nhân viên?

Cách làm của Thế giới di động

Vốn là một trong những ông lớn ngành bán lẻ cũng như có nhiều giao dịch, có người từng đặt câu hỏi liệu tại Thế giới di động có hiện tượng tham nhũng vặt và làm sao để xử lý với chủ tịch Nguyễn Đức Tài.

Ông Tài trả lời bằng câu chuyện thời mình còn đi làm thuê làm việc cho một công ty lớn nước ngoài. Thời điểm này công ty đang xây dựng nhà máy và nhập máy đóng gói bao bì. Một trong những chi tiết cần trong bao bì là đai sản phẩm. Lúc này nhà máy cần những dây đai bằng nhựa để kiểm tra xem máy hoạt động có ổn không. Ông Tài là người được cử đi mua những chi tiết này với giá khoảng 200 nghìn đồng. Một điều thú vị là người bán hỏi ông có muốn kê giá thêm hay không.

“Anh ghi cho tôi 2 triệu được không, không được thì ghi đúng giá đi. Khi người ta tin tưởng mình có làm gì để phủ nhận niềm tin đó không? Không. Nhưng giả sử bữa hôm đó Tài không đi mua mà 1 anh nhân viên linh tinh đang nhận lương thấp thì giá 250 nghìn sẵn sàng ghi thêm 350-500 nghìn tương đương vài % thu nhập của em. Đó là điều thách thức”, chủ tịch Thế giới di động chia sẻ.

quản lý tham nhũng nhân viên

>>> Thấm từng chữ: hai cuộc đời khác biệt của người đọc sách và không đọc sách

Quay trở lại câu hỏi, ông Tài cho biết đội ngũ TGDD được trao niềm tin họ là những người rất ổn và thứ 2 là họ được ghi nhận, được đãi ngộ tốt thì họ không phủ nhận niềm tin của công ty.

“Đôi khi trong cuộc đời 1000 lần thì 1 lần người ta phủ nhận nhưng 999 lần người ta không phủ nhận cái đó. Và khi các bạn xây được môi trường này thì các bạn không cần đi giám sát vì 999 người kia sẽ chỉ ra người kỳ cục đó, đào thải người đó ra khỏi hệ thống này. Bạn chỉ có 2 mắt, mười mấy giờ 1 ngày thôi không bằng 2000 con mắt và thời gian của số đông kia đâu. Các bạn không biết chứ bảo đảm những chuyện đó người ta biết hết chỉ là người ta không hành động thôi”, ông Tài đúc rút lại cách để doanh nghiệp như Thế giới di động phòng bệnh tham nhũng.

Rất nhiều lần chủ tịch Thế giới di động từng chia sẻ về văn hóa doanh nghiệp tạo môi trường nhân viên được làm thật, được ăn thật và một số ít muốn ăn thật làm dối thì số đông sẽ loại trừ họ. Theo ông Tài, số đông nhân viên sẽ có niềm tin rằng khi anh tham nhũng là không phải đang lấy tiền của công ty mà anh đang lấy tiền của chúng tôi. Bởi vì nếu công ty này không tạo ra kết quả, hiệu quả thì chúng tôi đầu còn ESOP, đâu còn thưởng nữa.

“Anh đang đục khoét và tôi là người đang trả giá cho việc đó chứ không phải ông Tài trên kia hay ai đó mơ hồ. Nếu có niềm tin đó thì họ sẽ không để chuyện đó xảy ra”, ông Tài kết luận.

Chính văn hóa này cũng giúp Thế giới di động xây dựng niềm tin của nhân viên. Môi trường này theo ông Nguyễn Đức Tài khác hẳn môi trường người ta không được quyền làm thật, người ta phải gian dối để được ăn thật.

“Bạn tưởng tượng trong 1 doanh nghiệp mình được trao quyền, được quyết định trong lĩnh vực mà mình muốn phụ trách thế là bạn được làm thật rồi thì kết quả rất thú vị ngoài tiền bạc bạn nhận lại được sự tôn trọng, ghi nhận. Bạn đi đâu nữa bây giờ. Chính cái môi trường này cho phép TGDD phát triển nhanh.

Thời làm CEO anh từng ký những tập giấy ủy quyền 100 trang công chứng hợp đồng thuê, trên đó để trống trơn giá mà chỉ có chữ ký của anh. Đội ngũ của anh đi khắp nơi trên cả nước. Đội ngũ của anh trên Sapa có thể hành xử như ông Tài ở trên Sapa. Đó là lý do họ mở những cửa hàng anh chả biết nằm đâu trên cuộc đời này. Đó là môi trường nhân viên được làm thật, tất nhiên tưởng thưởng của họ xứng đáng”, chủ tịch Thế giới di động khẳng định.

Như vậy để chữa tận gốc bệnh tham nhũng, quan điểm chung của giáo sư Phan Văn Trường là chủ tịch Nguyễn Đức Tài là xây dựng văn hóa doanh nghiệp có niềm tin bền vững kèm theo đó là thu nhập xứng đáng.

>>> Thấm từng chữ: hai cuộc đời khác biệt của người đọc sách và không đọc sách

Theo Thảo Nguyên – Trí Thức Trẻ