>>> Tủ Sách Khởi Nghiệp Alan Phan
Nên nhớ rằng, dù mô hình doanh nghiệp của Mỹ và Trung Quốc tương đối giống nhau, từ doanh nghiệp cá nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, đến công ty hợp danh… nhưng ảnh hưởng pháp lý đến doanh nghiệp lại khá khác biệt. Thường thì doanh nghiệp Mỹ được pháp luật che chở khá kỹ, trong khi tại Trung Quốc, khi xảy ra rủi ro, thường người chủ phải chịu hết trách nhiệm. Ngay cả với mô hình công ty cổ phần, cơ quan chức năng ở Trung Quốc luôn quy trách nhiệm vào người nắm cổ phần lớn nhất để xử lý.
Cơ chế pháp lý trong kinh doanh giữa Mỹ và Trung Quốc cũng rất khác nhau, đặc biệt là giấy phép kinh doanh ở một số ngành. Trước đây, tôi cũng hay cố vấn cho cộng đồng gốc Việt gốc Trung Quốc làm ăn tại Mỹ. Nếu việc mở một tiệm ăn tại Trung Quốc rất dễ dàng, thì chuyện này tại Mỹ được coi là khó khăn số một. Để có được giấy phép kinh doanh, người chủ phải vượt qua hàng loạt cơ quan kiểm duyệt.
Đầu tiên, nhà hàng đó phải nằm trong vùng thương mại, nhà hàng thì liên quan đến cháy nổ và mỹ quan cộng đồng, nên phải thông qua Sở Cứu hỏa và Sở Xây dựng; an toàn thực phẩm vốn được coi trọng ở Mỹ nên Sở Vệ sinh y tế công cộng kiểm tra rất ngặt nghèo; tiếp đến là Sở Kế hoạch, Sở Cảnh sát sẽ xem xét quy mô chỗ đậu xe và trật tự giao thông. Ví dụ, một nhà hàng có 100 chỗ ngồi thì đòi hỏi ít nhất phải có 35 chỗ đậu xe cho khách. Sau cùng, Sở Môi trường sẽ xem hàng xóm xung quanh nhà hàng có ai phản đối không, rồi mới chấp thuận. Còn nếu nhà hàng xin phép bán rượu bia, vấn đề giấy phép lại càng phức tạp và do cơ quan kiểm soát rượu bia phụ trách.
Ngược lại, nếu tại Trung Quốc, việc thành lập một tờ báo tư nhân hay nhà xuất bản là điều cấm kỵ, thì tại Mỹ, việc xuất bản một tờ báo hay cuốn sách dễ ngang với việc… ra tiệm mua một món đồ.
Thậm chí, nếu muốn, ai cũng được quyền làm báo ngay trong căn hộ của mình. Hiến pháp Mỹ quy định tự do ngôn luận, Chính phủ không được phép động đến quyền này nên giấy phép làm báo không cần phải có. Cũng rất công bằng, dù dễ dãi với thành lập báo, nhưng Chính phủ cũng bị cấm không được hỗ trợ nhân lực hay tài lực cho bất cứ một tờ báo nào.
Ở Mỹ, cơ quan SBA thuộc chính phủ Liên bang, có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp và phát triển. Ngoài việc bảo đảm nợ vay của tư nhân trước ngân hàng, chuyên gia của SBA còn giúp tư vấn về quản trị và mở các khóa đào tạo giúp doanh nhân. Có lẽ nhờ vậy, mỗi năm ở Mỹ có thêm hàng trăm ngàn doanh nghiệp mới. Ngày nay, ở Trung Quốc việc thành lập doanh nghiệp cũng khá dễ dàng trên khía cạnh pháp lý, ngoại trừ những ngành nghề bị ngăn cấm như truyền thông, viễn thông quốc phòng, dầu khí, khoáng sản…
Về thủ tục pháp lý, Chính phủ Trung ương của Trung Quốc không trực tiếp liên quan mà giao cho chính quyền địa phương cấp phép và quản lý. Trái lại, luật pháp của Mỹ thường nhiêu khê hơn vì Mỹ luôn có hai luật: luật tiểu bang và luật liên bang với thẩm quyền riêng.
Ví dụ, khi nhà đầu tư muốn bán cổ phần của công ty (initial public offering – IPO) thì phải thỏa mãn luật liên bang. Nhưng sau đó phải đăng ký ở từng tiểu bang thì các nhà môi giới trung gian địa phương mới giao dịch được. Trong 50 tiểu bang, có 34 tiểu bang sao chép mẫu quy định của liên bang và 16 tiểu bang khác có mẫu riêng.
Hầu hết các công việc liên quan đến luật lệ đều được giao cho luật sư giải quyết để tránh lỗi lầm. Với IPO, vì mỗi nơi có luật lệ khác nhau mà lại thuê riêng một luật sư cho mỗi tiểu bang thì quá tốn kém, do đó, để tiết kiệm, phần lớn doanh nghiệp chỉ đăng ký bán cổ phiếu ở những tiểu bang có chung quy định với luật liên bang.
Dù vậy, vẫn có những trường hợp phát sinh gây rắc rối. Ví dụ, dù doanh nghiệp có trụ sở đặt tại tiểu bang này, nhưng hàng hóa hay chuyện làm ăn của chủ doanh nghiệp xảy ra ở một tiểu bang khác và bị kiện ở đó thì người chủ phải thuê luật sư ở chính bang khởi kiện đứng ra làm đại diện. Luật sư của một tiểu bang này không được phép hành nghề ở một tiểu bang khác, trừ khi đã đăng ký và có bằng luật sư ở đây. Do đó, ngoài việc phải tốn tiền thuê hai luật sư khác nhau, việc phối hợp các hoạt động trong quy trình thưa kiện sẽ làm mất rất nhiều thời gian.
Công ty Hartcourt của tôi – có trụ sở pháp lý chính tại California – từng tiến hành một vụ mua bán công ty ở Florida. Sau khi bị người trung gian mua bán cổ phiếu công ty kiện ra tòa án ở Florida về tiền hoa hồng, tôi phải giao toàn bộ vụ kiện cho một luật sư ở Florida.
Trước đó, luật sư riêng của tôi ở California phụ trách vụ kiện, có xin tòa dời vụ kiện qua California vì lý giải rằng việc giao: giữa đôi bên diễn ra tại California. Nhưng tòa Florida bác đề xuất với lập luận đối tác bán hàng cho tôi sống ở Florida nên phải xử ở tòa án Florida. Chấp nhận chuyển vụ kiện ra khỏi California, tôi đã phải sao chép lại toàn bộ tài liệu và cứ mỗi lần cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu cho cả hai luật sư, thì tôi lại phải tốn tiền gấp đôi.
Chưa hết, vào ngày hầu tòa, luật sư Florida của tôi không tới vì… quên, nên tòa án xử tôi thua kiện. Khi nhận án lệnh tôi bị sốc và lại phải tiếp tục thuê một luật sư khác. Trị giá của vụ mua bán công ty này là 2,2 triệu đô la và tôi phải bỏ ra 2,2 triệu đô la vào quỹ tòa án để có quyền kháng cáo. Trước tiên tôi phải kiện vị luật sư đầu tiên đã không làm tốt trách nhiệm. Tất cả quá trình kiện tụng đã làm tôi mất gần hai năm trời và sau kháng cáo, tôi đã thắng kiện tòa án cao hơn. Rồi phải mất một năm sau, tôi mới được nhận lại số tiền 2,2 triệu đô la đã ký quỹ. Nực cười hơn, toàn bộ chi phí cho vụ kiện này là 1 triệu đô la.
Nguồn: Trích từ sách 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc (thuộc Bộ di sản Alan Phan)
???? Nếu muốn tìm hiểu thêm những quyển sách chứa đựng tinh thần và triết lý Alan Phan, bạn có thể tham khảo tủ sách Alan Phan tại đường link này: >>> Tủ Sách Di Sản Alan Phan