Một ngày như mọi ngày… em trả lại đời tôi (Trịnh Công Sơn).
Nhưng tệ hơn, một ngày không như mọi ngày, em cho thừa phát lại đến tịch thâu nhà anh, xe anh, tài sản anh và cả con cái anh. Chả thế mà triết gia nào đã ngẫm nghĩ về những pho tượng của anh hùng và thánh nhân tại các công viên, sừng sững làm tấm gương sáng cho loài người hèn mọn. Nhưng không ít những ngày trở trời, các pho tượng này phải hứng chịu bao nhiêu là… phọt phẹt của lũ chim bồ câu từ trên. Nhìn rất thảm hại.
Ôi kiếp nhân sinh. Ai mà không trải qua những ngày tồi tệ, mệt mỏi, không muốn thức giấc. Một ngày như số tử vi phán, trăng sao kết tụ nhầm trục; và tai biến, sai lầm thi nhau đợi ngoài phòng khách. Không biết từ đâu đến, không biết bao giờ mới đi. Danh hài Dangerfield diễu về một ngày lạ lùng như vậy: sáng ra, cầm ly cà phê bị rớt, dĩa trứng vợ làm cũng rơi đổ bể. Nhịn đói đi làm, ra cầm cặp lên, quai cặp cũng sút ra. Ông nói sau đó cả sáng, ông không dám đi tiểu, vì sợ…
Một bạn đọc hỏi, ông Alan già có phải trải qua những ngày như thế? Ông làm cách gì để tiếp tục cuộc chơi trong hào hứng hăm hở mà không bỏ cuộc?
Dĩ nhiên trong mọi hành trình, những ngày trái gió, mưa bão là chuyện bình thường dù không ai muốn. Người Mỹ có câu khá thông dụng Shit happens (dịch thoáng ra là lâu lâu ta đạp phải phân). Nhiều người phản ứng “quyết liệt” tạo nên những bi hài kịch không cần thiết mà kết quả sau cùng thì cũng thế thôi (gặp thời thế, thế thời phải thế).
Cho nên, với tôi, câu nói đầu tiên khi đạp phải phân là “hãy bình tâm, suy nghĩ về giải pháp thay vì tự hành hạ”.
Kế tiếp là một chương trình 4 điểm tôi ép mình phải thực thi. Nhiều bạn phải đi làm hàng ngày chắc không có điều kiện để tuỳ tiện như tôi. Tuy nhiên, trong tinh thần của 4 điểm hồi phục, các bạn cũng có thể sáng tạo ra vài thay đổi trong giới hạn nhỏ để có được sự cải thiện cốt yếu. Xin được chia sẻ lại chương trình này với các bạn:
1. Cân bằng thể lực và tinh thần
Ông bác sĩ già của gia đình cho biết là đôi khi thân thể ta thiếu một tố chất gì đó, tạo nên tình trạng mất cân bằng, khiến nội lực suy yếu và sức đề kháng không đủ mạnh, làm chúng ta dễ mỏi mệt và chán nản. Ông không nói, nhưng tôi nghĩ trên bình diện tinh thần, chúng ta cũng có những phản ứng tương tự. Chút stress hơi khác lạ có thể đẩy tiềm thức ta vào một trạng thái bí quan khác thường.
Cho nên, việc đầu tiên trong những ngày “down” là bỏ qua mọi thứ quen thuộc và dành 60 phút cho một chương trình thể dục năng động đặc biệt; tiếp theo bởi 2 viên “multi-vitamin” và một bữa ăn sáng đầy đủ năng lượng. Sau đó là 30 phút “thiền và thở” để nạp lại cho tiềm thức những khí công có thể hao hụt.
Nếu kết quả không được như ý muốn, việc kế tiếp là tìm một công viên yên tĩnh và đi bộ khoảng 1 tiếng, tìm nghe tiếng chim hót cũng như chút rên rỉ của loài côn trùng. Cuối cùng là một bồn tắm hay vòi sen khá nóng.
2. Tạo một trò chơi khác
Trừ khi có những công việc và họp hành thật quan trọng, cấp bách, tôi luôn cố gắng thay đổi nhịp bình thường (routine) của việc làm để tạo ra những trò chơi mới và khác lạ.
Nếu cảm thấy vẫn muốn làm việc, đây là lúc chọn lựa những phương thức mà mình hay suy ngẫm nhưng chưa đem ra thực hiện. Một vài cú điện thoại hay emails đến những đối tác hay khách hàng lạ có thể đem lại những kết quả bất ngờ. Thất bại không quan trọng; khám phá và liều lĩnh là các yếu tố cần thử nghiệm.
Nếu không muốn làm bất cứ gì nhưng trí tuệ vẫn nhậy bén, đây là thời điểm để nghiên cứu sưu tầm những dữ liệu, thống kê hay những sáng kiến và thành quả mới của các doanh nhân, khoa học gia… Không muốn đọc về nghề nghiệp, tin tức… thì ôm một tập truyện hay đi vào một rạp hát.
Ở Los Angeles, tôi hay đi xuống những piers (bờ kè dọc biển hay chạy ra biển), quan sát nhóm người tụ tập để câu cá, đi skateboard, chơi games, ăn uống trong các khu giải trí, cho hải âu ăn. Có nhiều điều thú vị về du khách và những người “vô công rỗi nghề”. Hoặc điện thoại hỏi anh huấn luyện viên tennis, hôm nay trong các buổi thực tập cho các em nhỏ, có cần người phụ?
Biển, sông, hồ, núi… là những môi trường thiên nhiên, đầy dinh dưỡng cho thể xác và tâm hồn. Hãy ra khỏi thành phố, và tìm về với nguyên thuỷ của đất trời.
3. Tìm một góc bình yên
Tâm linh và niềm tin là hai nền tảng cốt lõi của con người tôi. Họ là 2 người bạn đồng hành chung thuỷ và tận tâm. Tôi phải thú nhận là mặc cho bao dâu bể đã trải nghiệm, tâm hồn tôi vẫn yếu đuối và rất dễ vỡ. Không có 2 cột trụ của tâm linh và niềm tin, sẽ không có đến một ngôi nhà cho Alan trú ngụ, chứ đừng nói đến những lâu đài.
Tôi có chia sẻ là tôi hay lang thang đến những nơi thờ tự vắng vẻ: chùa, nhà thờ, đền thờ… để lòng thả trôi theo những lời kinh hay nhang khói. Rồi giấc ngủ cũng hay tìm đến, đưa tôi về thế giới của tiềm thức, đang lần mò tìm lối bình yên.
Thượng Đế hay thánh thần là những ngôi sao xa tít bên kia vũ trụ, thấp thoáng và chắc cũng không nghe tôi nói hay nói gì với tôi. Nhưng giây phút khi tôi lim dim, dường như có một luồng điện cực nhỏ chạy qua trí óc, thì thầm ”mọi sự rồi cũng qua đi” như giòng sông sẽ đổ về biển, đem theo chút cát bụi vô nghĩa hoà đồng với khải huyền.
4. Chấp nhận và chia sẻ
Sau khi trải nghiệm qua những quá trình nói trên, ngày của tôi cũng bắt đầu đi vào hoàng hôn để tắt lịm và hồi sinh sau đêm đen. Đây là lúc tôi dễ chịu với mọi người, nhất là tôi. Tôi cười tha thứ cho những “tội lỗi” của mình (phần lớn là ngu xuẩn); cũng như của tha nhân. Tôi chấp nhận tất cả tốt xấu, thiện ác, khôn ngu đã tạo nên thế giới phức tạp và đa dạng này.
Trí óc và tâm hồn tôi mở cửa toàn diện, hoàn toàn thả lỏng, không chút vướng bận. Những thành bại mất còn cũng đang bị đồng hoá với ký ức, tạo nên những dấu ấn sẽ quên sẽ nhớ. Đây là khoảnh khắc mà một vòng tay ân tình từ người bạn đường hay những đứa con đem lại những ý nghĩa đặc biệt cho đời sống. Sóng gió đời sẽ bị chặn bời con đê cao, vững chắc của gia đình, và bên trong khung cửa là tình yêu đích thực và êm đềm.
Một ngày không như mọi ngày luôn mang theo những bất ổn, hoang mang và lo sợ. Không chỉ riêng cho cá nhân, một gia đình, một doanh nghiệp, một xã hội, một quốc gia, một phần thế giới cũng đối mặt thường xuyên với các biến chứng của một hay nhiều tình thế mới. Phản ứng của người lãnh đạo và khối dân số cho thấy đởm lược hay yếu hèn của định chế. Khi “đổi mới và sáng tạo” là nhu cầu thiết yếu mà vẫn còn khư khư bám vào một vài suy nghĩ của vài ba thế kỷ trước, thì những ngày tới chắc chắn sẽ…không bình thường.
Có lẽ George Bernard Shaw nhìn rõ điều này từ vài thế kỷ trước, “Tiến bộ là bất khả thi nếu không thay đổi; và những người không thay đổi tư duy của họ sẽ không thay đổi được điều gì – Progress is impossible without change; and those who cannot change their minds cannot change anything.”
– TS. Alan Phan –