Một Bản Kế Hoạch Digital Marketing Cơ Bản Cần Có Những Gì?

NGHIÊN CỨU VÀ PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG

Thông qua quá trình nghiên cứu và phân tích thị trường, doanh nghiệp có thể nhận biết được điểm mạnh và điểm yếu của mình so với các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, các dữ liệu có được thông qua nghiên cứu thị trường, là cơ sở giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định trong việc lựa chọn thị trường mục tiêu, định vị thương hiệu, phát triển nội dung, xây dựng thông điệp truyền thông hoặc tối ưu hoá sản phẩm/dịch vụ.

XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH

Mục tiêu Digital Marketing cần tuân theo tiêu chí SMART: Specific (Tính cụ thể), Measurable (Đo lường được), Achievable (Khả năng thực hiện), Realistic (Tính thực tế), Time-bound (có thời hạn).

Dựa trên các tiêu chí SMART, doanh nghiệp có thể đưa ra định hướng về nội dung, phương thức triển khai, xây dựng thông điệp truyền thông và kênh triển khai phù hợp. Từ đó phân bổ ngân sách, tài nguyên và nguồn lực hiệu quả để đạt được mục tiêu: tăng doanh số bán hàng, tăng nhận diện thương hiệu, tăng lưu lượng truy cập vào website hoặc tăng tương tác trên mạng xã hội.

PHÂN TÍCH SWOT

Phân tích SWOT mang đến cho doanh nghiệp cái nhìn tổng quuan về môi trường bên ngoài cũng như tiềm lực nội tại. Thông qua nhận biết các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức; doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa lợi thế của mình để tạo ra cơ hội, khắc phục nhược điểm để phát huy thế mạnh và dùng thế mạnh để loại bỏ những rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp.

PHÂN KHÚC THỊ TRƯỜNG VÀ XÁC ĐỊNH THỊ TRƯỜNG MỤC TIÊU

Phân khúc (đoạn) thị trường là nhận diện sự không đồng nhất của một thị trường lớn. Sau đó gom nhóm các đối tượng có cùng đặc điểm về hành vi, thái độ sống, mong muốn hoặc động cơ,.. thành các phân khúc nhỏ, để doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả hơn.

Để quá trình phân khúc thị trường có hiệu quả, doanh nghiệp cần chú ý 5 tiêu chí sau đây: Mensurable (có thể đo lường), Differentiable (có thể phân biệt được), Accessible (có khả năng tiếp cận), Actionable (có khả năng thực thi), Substantial (Có khả năng mang đến lợi nhuận). Cơ sở để phân đoạn thị trường:

  • Theo yếu tố địa lý
  • Theo nhân khẩu học
  • Theo yếu tố tâm lý*: Đặc điểm tính cách, sở thích, mục tiêu cuộc sống, giá trị, niềm tin, phong cách sống.
    Theo yếu tố hành vi*: Thói quen chi tiêu, thói quen mua hàng, ý định tìm kiếm (website), thói quen tương tác/trung thành với thương hiệu, tìm kiếm lợi ích của sản/phẩm dịch vụ, cách phản hồi về sản phẩm/dịch vụ trước đó,..

(*): Ưu tiên dựa vào để phân khúc thị trường

XÁC ĐỊNH CHÂN DUNG KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU

Tạo ra một hồ sơ chi tiết về khách hàng mục tiêu (chân dung khách hàng) là một phần quan trọng không thể bỏ qua khi xây dựng kế hoạch Digital Marketing. Chân dung khách hàng phải có đầy đủ thông tin về đặc điểm cá nhân, nhu cầu, sở thích, thói quen tiêu dùng, mục tiêu và vấn đề mà họ đang gặp phải. Nếu không có chân dung khách hàng, sẽ rất khó để doanh nghiệp hình dung và tiếp cận đến đúng đối tượng mục tiêu.

LÊN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI (ACTION PLAN)

Sau khi đã xác định được mục tiêu và chân dung khách hàng, doanh nghiệp cần xác định các kênh truyền thông và những hình thức Digital Marketing phù hợp để triển khai. Với mỗi mục tiêu khác nhau sẽ có những kênh, hình thức triển khai và cách thực thi khác nhau. Một số hình thức Digital Marketing mà doanh nghiệp có thể tham khảo:

  • Content Marketing (Marketing nội dung)
  • Inbound Marketing/Outboud Marketing
  • Social Media (Marketing trên các kênh mạng xã hội)
  • SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm)
  • PPC (Hoạt động quảng cáo)
  • Email Marketing (Marketing qua email)
  • Mobile Marketing (Tiếp thị di động)
  • Influencer Marketing (Marketing thông qua người có sức ảnh hưởng)
  • Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết)

Kế tiếp, doanh nghiệp cần phân bổ nguồn lực để xây dựng và phân phối nội dung đến khách hàng mục tiêu. Nội dung phải được phát triển dựa trên sự thấu hiểu về nhu cầu và hành vi của khách hàng. Để duy trì tính hiệu quả, doanh nghiệp cần liên tục cải tiến và điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với thị hiếu.

HOẠCH ĐỊNH NGÂN SÁCH VÀ DỰ TRÙ CHI PHÍ

Trước khi bắt đầu thực hiện bất kỳ kế hoạch nào, việc dự trù chi phí là bước quan trọng mà mọi doanh nghiệp cần thực hiện. Thiết lập ngân sách giúp doanh nghiệp có sự chủ động trong quản lý tài chính, tránh trường hợp không chi tiêu quá ít hoặc quá nhiều vào một hoạt động Digital Marketing.

Bạn có thể cân nhắc phân bổ ngân sách theo quy tắc 70-20-10:

  • 70% Ngân sách cho những hoạt động có thể đo lường và chứng minh được hiệu quả nhanh (live-streams, quảng cáo, voucher KM trên website/sàn TMĐT,…).
  • 20% Ngân sách cho những hoạt động mới hoặc những hoạt động mà doanh nghiệp có thể định tính được hiệu quả (có nhiều hoạt động rất khó đo lường hiệu quả hoặc có hiệu quả nhanh).
  • 10% Ngân sách cho những hoạt động không phải thế mạnh triển khai, mới chưa được kiểm chứng hoặc không có số liệu trước đó để cân nhắc.

ĐÁNH GIÁ VÀ ĐO LƯỜNG HIỆU QUẢ

Sau khi đã triển khai các hoạt động Digital Marketing, doanh nghiệp cần tiến hành giám sát và đo lường hiệu quả, dựa trên mục tiêu và KPIs đã thiết lập ban đầu. Việc liên tục theo dõi, đánh giá rủi ro và đưa ra cải tiến tức thời, sẽ giúp doanh nghiệp luôn đảm bảo được tiến độ và đạt được mục tiêu kỳ vọng.

Mỗi người sẽ có cách xây dựng template và triển khai khác nhau. Trên đây là một số ý cơ bản mà mình nghĩ cần có cho 1 bản kế hoạch (Digital) Marketing. Tuy nhiên trong bản kế hoạch Digital Marketing mình đang triển khai, cũng như hướng dẫn cho doanh nghiệp muốn tự lập kế hoạch (mình làm B2B ^^) sẽ chi tiết và cụ thể hơn nội dung mình đang chia sẻ ở đây.

Xem Thêm: Các Mô Hình Lập Kế Hoạch Marketing Đơn Giản, Hiệu Quả