1. Mình có một đứa em họ bằng tuổi mình. Ngày còn nhỏ, ai trong nhà cũng tin tưởng rằng khi lớn lên nó sẽ thành công. Nó có năng khiếu với mỹ thuật, đã có thể vẽ được những bức tranh rất có hồn từ khi mới mẫu giáo. Rồi khi lớn lên, cả dòng họ đều khuyến khích động viên cho nó đi học vẽ. Bố mẹ nó cũng không tiếc tiền mua Macbook, cọ vẽ từ nước ngoài về cho nó. Nhưng cô chú lại nhầm ở một điểm, đó là vì coi nó là nghệ sĩ mà rất dễ dãi với nó, cũng chỉ vì một lời khuyên đâu đó trên mạng hay ngoài xã hội mà ai trong thập kỷ gần đây cũng đã từng nghe qua: hãy để con làm điều mình thích.
Hậu quả là nó trở nên cực kỳ lười biếng. Là con trai, lại sẵn máu nghệ sĩ, nên nó chẳng động tay chân vào việc gì trong nhà. Đã vậy, mới lớp 11 đã đòi bỏ học vì buồn chán do chia tay với bạn gái. Ai nói gì nặng lời là nó giận dỗi trốn trong phòng cả ngày. Những tác phẩm của nó thì ngày càng ít đi, mà hút thuốc, chơi game, trốn học thì ngày càng nặng. Nhìn nó như một cái cây dần héo úa cuối thu, dù chỉ mới hai mấy tuổi. Mà đâu phải ai ghét bỏ gì nó, mọi người đều lựa lời nhẹ nhàng, yêu thương để nói, khuyên nhủ và tạo điều kiện, chỉ có điều chưa từng ai khuyên nó câu này: sống ở đời không thể chỉ làm điều mình thích mà phải làm điều có ý nghĩa.
2. “Mục đích lớn nhất của những người chọn tự kinh doanh thay vì đi làm thuê là gì?”, thầy Do Thái Boaz Dreyer hỏi cả lớp. Có người trả lời là nhiều tiền, có người nói là được làm sếp. Và quan trọng nhất, người ta chọn tự kinh doanh là vì để đạt được tự do. Tự do thời gian để không phải nghe lời người khác sai bảo, tự do tài chính để không phải đuổi theo đồng lương không bao giờ đủ như con lừa chạy theo miếng cà rốt treo trước mũi, tự do tinh thần để được chọn sản phẩm, dịch vụ nào mình thực sự tin để cung cấp cho thị trường. Nhưng rồi thầy Boaz nói, khởi nghiệp không phải là tự do, chỉ có khởi nghiệp thành công mới là tự do. Còn bắt đầu khởi nghiệp, trong quá trình khởi nghiệp, thì người chủ là cô dâu trăm họ đúng nghĩa đen.
Trong ngành r.ượu vang và trong các ngành thực phẩm thủ công nói chung, có rất nhiều người vào nghề với lời khẳng định chắc nịch: đây là nghề tôi thích. Họ sẵn sàng từ bỏ công việc lương cao ở các thành phố, tham gia các lớp học làm r.ượu vang, tình nguyện ở các nông trại xa xôi dọc biên giới, và vay tiền ngân hàng để tự mở nông trại trồng nho. Nhưng trong ngành này, những người bỏ cuộc sớm nhất cũng chính là những người tỏ ra đam mê nhất. Những người chỉ chạy theo những điều mình thích thì sẽ chạy ra xa những gì họ không thích, dù đa phần đó lại là những điều quan trọng nhất. R.ượu vang không chỉ là nho và r.ượu, mà còn là phân compost, dọn cỏ, cây bị bệnh và chết, xử lý hàng đống nho phế thải hôi thối, xử lý một tá đơn huỷ hàng, và nhận những lời phê bình nghiêm khắc từ thị trường.
3. Khi chúng ta làm điều mình thích, một loại hooc-môn được tiết ra, đó là andrenaline. Andrenaline giúp thần kinh tỉnh táo và sáng tạo hơn bình thường. Không thể phủ nhận những người làm việc vì đam mê, khi họ đang có hứng, sẽ làm rất tốt, rất sáng tạo. Một tiền đạo ghi bàn đều đặn là một tiền đạo giỏi, nhưng một tiền đạo ghi 3 bàn trong một trận cầu đinh là một tiền đạo gây tiếng vang.
Nhưng còn những tiền đạo ghi 3 bàn trong nhiều trận cầu đinh, ghi liên tiếp các bàn thắng quan trọng trong cả thập kỷ liền thì sao? Họ làm việc vì đam mê hay làm việc vì trách nhiệm?
Hãy xét đến trường hợp đó, vì những người như vậy tồn tại bằng xương bằng thịt trong mọi ngành nghề trong cuộc sống này. Một cầu thủ từng kể về Ronaldo như sau: anh ấy ngâm mình trong bồn nước đá để luyện cơ sau mỗi trận đấu, bạn biết đấy, trong một đêm mùa thu 4 độ C, và với cô người yêu nóng bỏng đang ngóng trông ở nhà. Và về Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại, các nhân viên của ông ấy hồi tưởng lại, “Ông ấy bước vào căn lab trên đồi Menlo Park và dường như biến thành một con người khác, không một phút nào trừ những phút nghỉ ngơi cần thiết đối với một con người sinh học mà ông ấy không làm việc, mỗi ngày, 5 ngày một tuần, và thậm chí là cả buổi sáng ngày thứ bảy, lúc đó ông ấy đã là một triệu phú đô la rất giàu có và chẳng ai bắt buộc ông ấy phải làm việc nhiều như vậy.”
Có lẽ câu nói “hãy làm điều mình thích” là không phù hợp với giới trẻ, những người thậm chí không biết mình thích gì. Và khi không biết mình thích gì, người ta dễ dàng sa ngã vào các hoạt động giải trí vì chúng luôn đem lại một cảm giác dễ chịu cho cơ thể và hệ thần kinh. Thay vì chủ động tạo ra niềm vui, chúng ta lại lang thang từ bối cảnh này sang bối cảnh khác để tìm kiếm niềm vui, mà không biết rằng, niềm vui ấy ngắn ngủi và hời hợt, để rồi đọng lại là sự trống rỗng trong lòng sau mỗi cuộc truy hoan. Để cho cảm xúc lên xuống một cách bị động theo hoàn cảnh bên ngoài là biểu hiện của người chưa trưởng thành.
Có thể bạn sẽ nói, những người duy trì được đam mê trong những công việc quan trọng là những người hạnh phúc nhất, và họ chỉ có ăn hên nên mới tìm được công việc như thế. Ý đầu thì đúng, nhưng ý sau thì không hẳn đâu. Họ duy trì được đam mê trong công việc bởi vì họ hiểu rõ sở trường, biết phân tích các yếu tố công việc sẽ ưu tiên các sở trường ấy, kết hợp với khả năng đàm phán để phân chia công việc hiệu quả. Và chấp nhận đàm phán có nghĩa là, bạn phải chấp nhận nhượng bộ một số điều kiện, bạn vẫn phải làm một số điều mà bạn không hề thích.
Làm điều mình thích nhưng phải phù hợp với năng lực, tức có chút năng khiếu. Thích hát, quyết theo nghiệp cầm ca mà chất giọng chỉ vừa đủ hát karaoke cho bạn bè khen, thì có làm mãi cũng không kiếm tiền được. Rồi đến lúc sẽ bức bí kế sinh nhai, đâm ra oán hận cả vũ trụ, hoặc tiêu cực là ghét người thành công. Người Do Thái họ dạy con cháu họ, làm điều mình thích là tốt, nhưng phải thực tế và khách quan, biết năng lực của mình tới đâu, việc ưa thích đó dùng để mưu sinh luôn, chuyên nghiệp luôn hay chỉ là nghề tay trái để giải trí?
P/S: Cách huỷ hoại 1 đứa trẻ nhanh nhất là để chúng làm những gì chúng thích (ngạn ngữ Hy Lạp). Bạn có đồng ý quan điểm này không?
Nguồn: Martin Trương