1. Yêu thích và đam mê
Được biết, cứ rảnh rỗi là lão lại xách cần đi câu, không kể thời gian, không quản nắng mưa. Không rủ được ai đi cùng thì lão đi một mình.
Không rủ được người có kinh nghiệm để cùng học hỏi lẫn nhau thì lão rủ những kẻ không có kinh nghiệm như tôi. Bởi lẽ đôi khi khè một chút thành tựu và kinh nghiệm với người mới cũng làm lão sung sướng.
Để làm được điều đó thì không gì ngoài sự yêu thích và đam mê. Chỉ cần có đam mê thì mọi việc bạn đang làm chỉ là sự giải trí, giúp bạn thoải mái và sống hạnh phúc hơn. Kinh doanh cũng vậy không có yêu thích và đam mê thì bạn sẽ không có sự tiến bộ, không liên tục tiếp thu những bài học kinh doanh mới.
Nếu bạn không có yêu thích và đam mê sao bạn biết được:
– Phao liên tục rung nhẹ là cá đang rỉa mồi chứ không ăn.
– Thấy phao bị kéo đi một khúc rồi lại nằm im là biết cá đã tha mồi nhưng rồi chê không ăn.
– Phao bị kéo theo chiều nào thì ta giật cần theo chiều ngược lại là lưỡi câu sẽ ghim sâu vào miệng cá.
– Hay những kinh nghiệm giật cần cũng giúp bạn có cá vào giỏ trong ngày hôm đó:
– Xác định chính xác thời điểm giật cần câu.
– Giật nhẹ quá, cá dễ thoát được.
– Giật mạnh quá, cá dễ bị sứt mép và rơi ra khỏi lưỡi câu.
– Sao bạn không thử thay thế từ “cá” thành “khách hàng” trong những câu trên? Bạn sẽ lập tức WOW vì có gì đó vừa lóe lên trong đầu bạn.
2. Hiểu rõ tập tính và thói quen ăn mồi của cá
Tập tính và thói quen ư? Để nói và hiểu hết vấn đề này có lẽ cần đến trăm trang giấy để ghi chú lại. Nếu ghi một cách chi tiết có thể tạo nên một cuốn bách khoa toàn thư về cá. Ngàn trang chứ không đùa được.
Điều này cũng có thể nhìn thấy ở trên khách hàng của bạn, mỗi khách hàng đều có cách tiếp cận và mua hàng khác nhau.
Theo lời ông anh thì mỗi loài cá có một tập tính và loại mồi ưa thích khác nhau:
Những loài cá ăn theo bầy đàn như cá tra, chim trắng, chim đen, cá trê … thấy mồi là nhào đến táo bạo, tranh giành nhau.
Cũng có những loài cá thích kiếm ăn một mình như cá lóc. Đây là một loài cá có tính đa nghi và khôn lỏi rất cao, nó có thể rình mồi và xác định miếng mồi là vô hại với nó rất kiên nhẫn.
Đặc biệt ở hồ Trị An có một loài cá Hoàng Đế có tập tính ăn mồi rất khác biệt. Các cần thủ thường đập cần xuống nước để dụ cá, bởi loài cá này ăn động, đập như vậy nhằm tạo sự ồn ào thu hút nó bơi lại ăn mồi.
Có loài ăn mồi tầng đáy, có loài lại ăn ở tầng mặt
Đối với mồi câu lại cả một vấn đề lớn nữa, bởi có rất nhiều loại mồi khác nhau. Từ mồi giả đến mồi thực vật, mồi động vật… Mỗi loại mồi dùng để câu những loại cá khác nhau.
Ngoài ra mỗi loài cá có một thời gian ăn mồi khác nhau. Thời điểm ăn mồi, buổi sáng, buổi chiều, buổi tối… hay mùa xuân, hạ, thu, đông.
Có thể nói mỗi loài cá đại diện cho mỗi khách hàng khác nhau, mỗi loại mồi đại diện cho sản phẩm dịch vụ khác nhau. Bạn cần tìm hiểu nhu cầu và hiểu rõ tâm lý khách hàng. Từ đó xác định mình cần phải làm gì tiếp theo.
3. Địa điểm thả câu
Đối với các cần thủ chuyên nghiệp và sát cá như lão, thì việc chỉ cần đứng quan sát chốc lát cũng giúp lão nhận biết được ở đó có thể câu được cá hay không.
Dân gian có câu “nước trong không có cá”. Câu này hoàn toàn đúng, ngoài ra các yếu tố như môi trường xung quanh, độ sâu cạn, pH, bùn, nhiệt độ… cũng được xét đến.
Hiển nhiên ông anh tôi cũng vậy, với kinh nghiệm câu của lão thì việc tìm bãi câu không quá khó.
Xét về khía cạnh kinh doanh, bán hàng. Bạn cần biết được khách hàng mục tiêu của bạn là ai? độ tuổi? giới tính? tiếp cận khách hàng bằng kênh mua bán nào? Bán online hay offline…
4. Đi câu không nên để lộ lưỡi câu
Không để lộ lưỡi câu hẳn là một yếu tố quan trọng không thể thiếu rồi. Bởi lẽ tâm lý của khách hàng ngày nay rất khác xưa, không còn giống như Khương Tử Nha chờ thời dùng lưỡi câu thẳng, không mồi để câu cá nữa.
Xung quanh có hàng trăm miếng mồi ngon không lí nào nó lại chọn một thanh sắt để cắn vào cả.
Hãy nhớ rằng một trong những yếu tố chính khiến mọi người mua sản phẩm hay tìm đến dịch vụ của bạn là họ đang phải vật lộn với một vấn đề mà họ hy vọng rằng sản phẩm, dịch vụ của bạn sẽ giải quyết được.
Do đó, hãy cố gắng giúp đỡ khách hàng mua sản phẩm chứ đừng cố gắng bán sản phẩm cho họ. Hãy thay đổi tâm lý bán hàng từ đó thay đổi tư duy và lối mòn để tiếp cận và giúp đỡ khách hàng của bạn.
Hãy che đi khát vọng bán hàng bằng sự nhiệt tình và giúp đỡ tận tâm nhất.
5. Kinh nghiệm
Mặc dù tôi gần như đã được lão truyền đạt mọi kiến thức. Nhưng có một điều mà lão không thể truyền lại đó chính là kinh nghiệm.
Và tất nhiên cái kết của buổi câu cá hôm đó là giỏ tôi trống không, còn của lão thì đầy ắp. Mặt tôi rõ tội, xệ xuống không còn một chút háo hức như lúc ban đầu.
Nhìn tôi bực dọc, lão còn cười ha hả như hiểu được sự háo thắng của tôi rồi bảo: “Thôi người mới như chú phải học hỏi anh nhiều, đừng nghĩ qua mặt được anh ở khoản này”.
Lúc này tôi mới nhận ra, lý thuyết xuông không có kinh nghiệm thực hành thì cũng vứt đi. Đúng như vậy, mọi kiến thức, lời khuyên kinh doanh và bán hàng chỉ giúp bạn định hướng. Lý thuyết là kim chỉ nam cho hành động. Việc bạn có dùng nó và đặt bước đi đầu tiên tới thành công không là do bạn.
Hy vọng với 5 bài học kinh doanh từ một cần thủ chuyên nghiệp như lão anh của tôi sẽ bổ ích với bạn. Giúp bạn có tâm lý mua hàng, bán hàng tốt để định hướng, bắt đầu trở thành người bán hàng vĩ đại, một nhân viên kinh doanh giỏi trong năm 2019 nhé!
>>> Bài viết về Marketing – Bán Hàng
Nguồn: DAIN – List Sách