Trong cuộc sống, việc bạn từ chối lời đề nghị của người khác là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên nhiều người vì quá “cả nể” mà không dám từ chối sợ mất lòng rồi giúp người khác trong tâm thế khó chịu không hết mình hoặc không có đủ thời gian để làm việc của mình. Một số người thì không khéo léo, từ chối gây mất lòng, mối quan hệ sau đó cũng xấu đi.
Vậy từ chối như thế nào cho khéo léo không để lại sẹo mà người khác vẫn thấy vui vẻ thoải mái?
3 NGUYÊN TẮC NHẤT ĐỊNH PHẢI NHỚ
1. Từ chối không đồng nghĩa với việc bạn là người xấu
Lúc nào cũng đồng ý, lúc nào cũng nói có, chưa hẳn đã tốt. Cái đó gọi là ba phải, hay gió chiều nào theo chiều ấy. Hãy nhớ rằng nói không, không có nghĩa bạn là người xấu (hoặc họ sẽ nghĩ bạn là người xấu), mà bạn là người có chính kiến, có kế hoạch.
2. Từ chối là đặc quyền của bạn
Chúng ta khó từ chối vì chúng ta sợ làm buồn, làm đau lòng người đối diện. Đây có lẽ là lý do phổ biến nhất mọi người thường mắc phải. Bản thân chúng ta vẫn tự đặt câu hỏi cho mình rằng không biết người ta có bị tổn thương không, có đau lòng không, không biết người ta có còn thích mình nữa hay không, không biết mình có giữ được mối quan hệ hay là không,…. Do vậy, chúng ta thường rất ngại làm cho người khác đau lòng dẫn đến thay vì từ chối chúng ta sẽ nhận lời.
3. Từ chối khéo léo là một kỹ năng
Giống như bất cứ kỹ năng nào, nếu bạn cảm thấy khó khi thực hiện, thì đơn giản là nó chưa trở thành phản xạ, và bạn cần phải dành thêm thời gian tìm hiểu và luyện tập. Trong công việc, chúng ta không dám từ chối là vì sợ bỏ qua những cơ hội đến với bản thân. Tuy nhiên nếu bạn đang ngập đầu trong công việc của mình còn chưa xong thì việc bạn nhận lời với một người khác chắc chắn ảnh hưởng đến cả 2.
7 VIỆC NHẤT ĐỊNH KHÔNG ĐỒNG Ý
1. Tôi dứt khoát nói không khi việc đó vi phạm pháp luật, hoặc có dấu hiệu khiến tôi nghi ngờ.
2. Tôi dứt khoát từ chối khi việc đó đi ngược lại với mục tiêu hoặc ưu tiên của tôi vào thời điểm đó.
3. Tôi dứt khoát nói không khi việc đó có thể gây tổn hại tới người khác, tới sinh vật sống khác.
4. Tôi dứt khoát từ chối khi tôi biết chắc mình không thể dành toàn tâm toàn ý tham gia.
5. Tôi dứt khoát nói không với những người đã từng thất hứa hoặc có dấu hiệu lợi dụng tôi.
6. Tôi dứt khoát từ chối những người nhờ vả tôi liên tục các việc không thuộc trách nhiệm của tôi.
7. Tôi dứt khoát nói không với những việc không đem lại lợi ích cho tập thể, và cho người khác.
Nếu một ai đó vi phạm nguyên tắc của bạn, hãy dứt khoát từ chối và đừng lo lắng gì cả. Vì nếu họ đã vi phạm nguyên tắc của bạn, có nghĩa là họ không tôn trọng bạn, và không xứng đáng nhận được sự đồng ý của bạn. Hãy yên tâm, thường những người như thế khi không nhờ được bạn, sớm muộn họ sẽ tìm một ai khác mà thôi.
TỪ CHỐI MỘT CÁCH KHÉO LÉO LÀ NHƯ THẾ NÀO?
1. Đừng nhận lời vôi, đừng từ chối vội
Hồi còn đi làm, có một mẹo đã “cứu” tôi rất nhiều phen. Đó là mỗi lần ai đó hỏi tôi có rảnh để làm việc gì đó không thì tôi luôn trả lời, “Việc này quan trọng đấy, để mình xem lịch đã nhé.” (rồi rút Smartphone ra coi lịch). Thói quen này tuy nhỏ mà có võ, đem lại rất nhiều lợi ích cho bạn:
– Nó là tín hiệu báo cho người kia biết rằng bạn là người làm việc có kế hoạch, chứ không phải lúc nào cũng rảnh rang mà vác tù và hàng tổng.
– Nó cho bạn một khoảng dừng, một cơ hội nhìn lại xem đó có phải việc nên được ưu tiên hay không, để đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
– Sau khi xem lịch, nếu bạn trả lời rằng bạn sẽ sắp xếp để giúp họ thì “thời gian” của bạn dành cho họ sẽ “đáng giá” hơn là nhận lời ngay từ đầu.
Thói quen này có thể áp dụng cho mọi tình huống, kể cả một ai đó tỏ tình với bạn. Tất nhiên là lúc đó, bạn không thể rút Smartphone ra và nói, “Việc này quan trọng đấy, để tôi xem danh sách những người đã tỏ tình với mình đã” mà bạn đơn giản chỉ cần nói, “Đây là việc quan trọng, hãy cho tôi thời gian để suy nghĩ.”
Câu “Việc này quan trọng” rất quan trọng, nó thể hiện thái độ lắng nghe của bạn (ai mà không thích người khác nghĩ rằng việc của mình quan trọng cơ chứ, ha ha), nên họ sẽ dễ dàng cho bạn thời gian suy nghĩ hơn. Còn nếu họ liên tiếp “tấn công” bạn, đòi bạn ra quyết định ngay, thì có thể dùng hai từ khóa đầy sức mạnh sau đây.
Đó là “nguyên tắc” và “tôn trọng”. Bạn có thể nói “Nguyên tắc của tôi là v.v… mong bạn tôn trọng…” Chẳng hạn, “Nguyên tắc của tôi là đã tham gia việc gì là sẽ làm hết sức, nên mong bạn tôn trọng và cho tôi thời gian suy nghĩ để ra quyết định.” Làm vậy, họ sẽ cảm nhận được sự nghiêm túc và uy lực của bạn.
Còn sau khi bạn đề cập tới “nguyên tắc” và yêu cầu sự “tôn trọng” mà họ vẫn tấn công, thậm chí đòi hỏi một cách thô lỗ. Thì họ là người chẳng có phép tắc, và nên out ngay khỏi cuộc đời bạn
2. Luôn từ chối kèm quà tặng
Ai mà không thích quà tặng cơ chứ? Trong trường hợp xem lịch xong, suy nghĩ xong xuôi và bạn muốn từ chối. Thì đã tới lúc phải áp dụng cách từ chối khéo léo, hay nghệ thuật nói không mà không gây đau đớn này. Trước tiên, hãy chia sẻ cảm xúc với họ, điều này rất quan trọng, giống như là thuốc an thần vậy.
Chẳng hạn, “Cám ơn bạn đã tin tưởng tôi. Tôi hiểu việc này rất quan trọng với bạn, tôi cũng muốn giúp lắm. Tuy nhiên, v.v… (đưa ra lý do chính đáng của bạn)”. Lý do chính đáng nhất, thường là bạn đang vướng một lịch nào đó mất rồi, hoặc thời gian này bạn đang có mối quan tâm khác nên chưa thể toàn tâm toàn ý cho họ.
Lúc này có thể họ sẽ tổn thương, hãy xoa dịu ngay bằng những món quà miễn phí (đặc biệt là những người hướng nội, cảm xúc mạnh bạn càng phải quan tâm nhé):
– Bạn gợi ý cho họ một giải pháp giúp họ tự làm việc đó một cách hiệu quả.
– Bạn gợi ý một ai đó có thể giúp được họ, thậm chí còn làm tốt hơn cả bạn.
– Bạn hứa sẽ sắp xếp giúp họ lần sau, hoặc một việc gì đó khác thay thế.
Trong trường hợp họ nài nỉ ghê gớm, miễn cưỡng lắm thì bạn có thể dùng tuyệt chiêu cuối cùng là giúp đỡ một phần nhỏ. Hãy trao đổi, giúp họ phân tích việc họ cần nhờ ra làm nhiều phần, và xem xem bạn có thể giúp được một phần nhỏ nào đó trong khả năng của bạn hay không.
6 MẸO TỪ CHỐI NHỎ NHƯNG CÓ VÕ
1. Mỗi lần ai đó hỏi bạn có rảnh không, hãy nói “để tôi xem lịch đã”. Thói quen này giúp bạn trở thành một người có kế hoạch và ngày được tin tưởng.
2. Mỗi lần bước ra khỏi nhà, hãy tự hỏi việc quan trọng hôm nay phải làm là gì. Khi trong đầu bạn luôn có một mối ưu tiên, bạn sẽ luôn đánh giá được một việc nào đó có phải là ưu tiên hay không.
3. Mỗi lần ai đó hỏi nhờ vả việc gì, hãy luôn xin họ một thời gian nhất định để ra quyết định (với một lý do chính đáng: muốn toàn tâm toàn ý vào việc của họ).
4. Mỗi lần ai đó tới nhờ vả, hãy hỏi rõ thông tin việc đó trước khi quyết định: Nó gấp tới mức nào? Nó quan trọng tới mức nào? Kỳ vọng của họ đối với bạn là gì? v.v….
5. Mỗi lần từ chối, luôn kèm theo một món quà miễn phí nào đó: Thông tin hữu ích, một mối liên hệ tới ai đó khác có thể làm tốt hơn…
6. Khép lại lời từ chối bằng câu hỏi quan tâm tới cảm xúc của họ, duy trì mối quan hệ, khẳng định tích cực: “Chúng ta vẫn là bạn tốt chứ?”
>>> 15 cuốn sách giúp bạn trở thành người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực
Nguồn: fususu